BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Ánh
- Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Đà Nẵng
Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 2 sau bệnh đục thủy tinh thể và các bệnh lý thuộc bán phần sau của nhãn cầu. Bệnh gây đau nhức do tăng nhãn áp dẫn đến lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu, có thể gây mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được xác định rõ ràng nên bệnh khó phòng ngừa. Phát hiện sớm bệnh glôcôm bằng cách khám sàng lọc định kỳ, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như là họ hàng ruột thịt của bệnh nhân glôcôm. Không có điều trị dự phòng đối với bệnh glôcôm nhưng mù lòa do bệnh glôcôm có thể phòng tránh được bằng cách phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và tuân thủ điều trị, theo dõi. Bệnh glôcôm chỉ ổn định chứ không khỏi hẳn nên việc điều trị và theo dõi glôcôm là suốt đời.
Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc hạ nhãn áp trong giai đoạn glôcôm sớm, laser hoặc phẫu thuật để kiểm soát nhãn áp, nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương dây thần kinh thị giác, phòng tránh mù lòa.
Nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về căn bệnh âm thầm đánh cắp thị lực này, Bệnh viện Mắt Thành phố Đà Nẵng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ bênh nhân Glôcôm với sự tư vấn và hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên khoa Glôcôm của bệnh viện. Câu lạc bộ sinh hoạt 3 buổi như sau:
+ Buổi 1 (23/11/2022): Glôcôm là gì, bệnh học, cơ chế, nguy cơ của bệnh.
+ Buổi 2 (30/11/2022): Điều trị Glôcôm như thế nào? Quy trình khám chữa bệnh glôcôm, thể bệnh glôcôm nào cần mổ, thể bệnh glôcôm nào thì điều trị bằng thuốc, liên hệ bệnh viện, chuyển tuyến ra sao và xét nghiệm những gì.
+ Buổi 3 (07/12/2022): Tư vấn về điều trị Glôcôm - Sử dụng thuốc và tầm quan trọng của tuân thủ điều trị.
Các tin tức sự kiện khác
