ThS. BS. Trần Nguyễn Minh Nhật - BS. CKII. Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Thời gian đăng bài: 17h45, ngày 04/03/2020
Khi bạn mắc Glôcôm, toàn bộ cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Căn bệnh từ từ lấy cắp đi thị giác và tầm nhìn, khiến “cả thế giới thu bé lại” như nhìn qua một cái ống. Không chỉ gây giảm thị giác, đây còn là căn bệnh không có khả năng phục hồi, tức là những tổn thương do Glôcôm gây ra không thể lấy lại được nữa. Vậy Glôcôm có nghĩa là bạn nên đầu hàng? Tất nhiên là không. Hiện đã có rất nhiều phương hướng điều trị khác nhau, dùng thuốc, phương tiện hiện đại như laser, phẫu thuật giúp ngăn Glôcôm tiến triển.
Thu hẹp thị trường do Glôcôm
Là một bác sĩ bệnh viện Mắt Đà Nẵng, một câu hỏi tràn đầy lo lắng mà mỗi bệnh nhân khi được chẩn đoán bệnh Glôcôm hỏi tôi: “Có cần kiêng/làm gì không bác ơi?”. Tất nhiên điều quan trọng nhất tôi thường căn dặn bệnh nhân là tuân thủ tuyệt đối điều trị thuốc nhỏ và tái khám theo dõi định kì, bên cạnh đó vẫn có những điều bạn có thể làm hoặc có thể tránh để bệnh Glôcôm không trở thành gánh nặng cuộc đời.
1. Giảm bớt lượng chất béo và đường trong khẩu phần ăn
Thức ăn nhiều chất béo và đường gây thừa cân béo phì
Chất axit béo chuyển hóa có liên hệ với việc cholesterol trong máu của bạn ở mức cao. Chúng cũng thường được biết đến là tác nhân gây tổn thương các mạch máu trong cơ thể, trong đó có các mạch máu ở mắt dẫn đến thiếu máu cấp cho thần kinh thị, gây nặng thêm những tổn thương vốn có của bệnh Glôcôm. Những thực phẩm như các loại bánh nướng, đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ cần được giảm đi trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Đường làm tăng insulin máu, đối với những bệnh nhân Glôcôm, lượng insulin nên được giữ ở mức ổn định bình thường, do tăng insulin có thể dẫn đến tăng nhãn áp và huyết áp, làm nặng thêm bệnh Glôcôm. Vậy có nên loại bỏ đường? Câu trả lời là không. Cũng như chất béo vẫn rất cần thiết cho cơ thể, hai loại chất này chỉ nên được giảm bớt, và nên kiểm soát chặt hơn khi cân nặng của bạn ở mức thừa cân hoặc béo phì theo điểm BMI (*).
* Chỉ số khối cơ thể được tính theo công thức:
BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]
Một người có chỉ số BMI bình thường sẽ dao động trong khoảng 18,5 - 24,9, con số này cho thấy bạn đang ở mức cân nặng lý tưởng. Khi chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 25 - 29,9 tức là bạn đang bị thừa cân.Trong trường hợp chỉ số BMI từ 30 trở lên, cho thấy bạn đang bị béo phì.
2. Giảm cà phê
Quá nhiều cà phê hằng ngày có thể là vấn đề
Cà phê đã được ghi nhận là làm tăng nhãn áp, và tác dụng này của cà phê sẽ cao hơn ở người có bệnh Glôcôm. Vậy bao nhiêu ly cà phê mỗi ngày là đủ?. Một đến hai ly cà phê mỗi ngày thì mức tăng nhãn áp không đáng kể, nhưng với ba ly trở lên thì cà phê bắt đầu thể hiện tác dụng phụ của nó. Bạn có thể thử thay thế cà phê bằng trà xanh, thức uống có chất chống oxi hóa, giảm cholesterol máu và huyết áp rất tốt cho sức khỏe.
3. Tập thể dục có chọn lọc
Bệnh nhân Glôcôm thường được khuyên nên tập thể dục để có cân nặng và mỡ máu ở mức tốt. Nhưng tập thể dục vẫn có thể làm tăng nhãn áp, tức là phải thể dục có chọn lọc những bài tập phù hợp. Những bài tập có tư thế đầu thấp (như một số động tác yoga) nên hạn chế làm. Những môn thể thao mạo hiểm như lặn biển, nhảy bungi có thể khiến nhãn áp tăng cao nhanh.
4. Tuân thủ điều trị và lời dặn của bác sĩ
Điều quan trọng nhất và cũng là điều tôi muốn nhấn mạnh thêm lần nữa, là tuân thủ tuyệt đối điều trị thuốc nhỏ hàng ngày, làm theo lời dặn của bác sĩ và tái khám đều đặn theo lịch hẹn. Bác sĩ của bạn sẽ rất vui mừng khi thấy bệnh nhân thể hiện sự nghiêm túc trong thực hiện nhỏ thuốc hàng ngày, có giờ giấc nhỏ thuốc và cách dùng thuốc đúng. Vì vậy nếu có thắc mắc về thuốc dùng hàng ngày bạn nên hỏi kĩ bác sĩ để sử dụng chính xác nhất, nếu không tự làm được thì nên nhờ người thân thực hiện dùm.
Với việc giữ gìn sức khỏe tốt và tuân thủ đúng điều trị bệnh, những gánh nặng do bệnh Glôcôm gây ra sẽ bị hạn chế, giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
--- o0o ---
Các thông tin khác
