GÓC BỆNH NHÂN
GIẢM THIỂU GÁNH NẶNG BỆNH GLÔCÔM NHẰM CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO BỆNH NHÂN

(BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Ánh,ThS.BS Trần Nguyễn Minh Nhật)

Thời gian đăng bài: 11h30 Ngày 8/3/2022

Chất lượng cuộc sống của một bệnh nhân Glôcôm là một đánh giá về những hạn chế mà bệnh nhân gặp phải do bệnh tật ảnh hưởng trong thời gian dài. Những ảnh hưởng này là rất rõ rệt, không chỉ với người bệnh mà còn tới người thân trong gia đình, những người chăm sóc cho bệnh nhân.

Bệnh Glôcôm là một thử thách khó khăn đối với cả bệnh nhân và bác sĩ điều trị. Từ góc nhìn của bệnh nhân: Đây là một căn bệnh không triệu chứng, không biết được tiến triển, không biết được hiệu quả điều trị, sử dụng thuốc hàng ngày kéo dài, chịu tác dụng phụ, tái khám định kỳ, xét nghiệm mệt mỏi. Đặc biệt là ảnh hưởng tâm lý khi hiểu tổn thương do bệnh glôcôm không đảo ngược được, thị lực tương lai không khá hơn, lý tưởng tối đa là không tệ đi.Với bệnh nhân già, việc thăm khám đòi hỏi người nhà đi cùng gây phiền hà, tốn thời gian con cháu làm việc. Với bệnh nhân trẻ, việc mắc bệnh lý mãn tính, suy giảm chức năng thị giác dần dần ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống tương lai là chuyện đáng buồn. Với trẻ nhỏ mắc glôcôm bẩm sinh, tương lai thị lực rất không khả quan, hoặc mất thị lực từ rất sớm khiến ảnh hưởng cực kỳ to lớn với gia đình. Đối với bệnh nhân giai đoạn nặng, hoặc bệnh phức tạp nhãn áp không điều chỉnh, việc thay đổi thuốc liên tục, sau đó phải phẫu thuật dù chức năng thị giác đã mất đi rất nhiều không lấy lại được cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý và chất lượng sống.

Vì vậy để giúp bệnh nhân vượt qua những chướng ngại tâm lý, những khó khăn thử thách mà bệnh Glôcôm gây ra, cả bác sĩ và người thân chăm sóc cho bệnh nhân phải hiểu những gánh nặng mà bệnh nhân đang chịu đựng mới có thể điều trị tốt và đồng thời có chất lượng sống tốt hơn.

Phần lớn bệnh nhân Glôcôm không có triệu chứng, việc phát hiện bệnh khi giai đoạn bệnh đã nặng là phổ biến. Chúng tôi vẫn hay gặp một vài trường hợp bệnh nhân đã lớn tuổi, đến khám vì giảm thị lực do đục thuỷ tinh thể, thăm khám phát hiện tổn thương thị thần kinh rất nhiều, phải thông báo cho bệnh nhân về khả năng mắc bệnh Glôcôm và việc phẫu thuật chữa đục thuỷ tinh thể cũng chưa chắc giúp chức năng thị giác đủ tốt để sinh hoạt bình thường, như thể phá đi hy vọng khôi phục thị lực của bệnh nhân vậy. Bác sĩ và người thân phải thật tâm lý, giúp bệnh nhân hiểu được việc điều trị có thể giữ thị lực không hoàn toàn mất đi, cũng như tìm kiếm các giải pháp cải thiện phần nào để động viên bệnh nhân thực hiện tốt các chỉ định điều trị.

Bệnh Glôcôm ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh hoạt như đọc viết, đi lại, lái xe, nhận biết đồ vật con người. Ngoài ra bệnh còn ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý vì nỗi sợ bị mù, bị xa lánh do khiếm thị dễ dẫn đến trầm cảm. Những chức năng sức khoẻ tâm sinh lý này đều bị suy giảm ngay từ giai đoạn sớm của bệnh, tăng khi bệnh tiến triển hoặc bị 2 mắt. Gánh nặng bệnh Glôcôm thường sẽ tăng dần theo thời gian mắc bệnh.

 

Khái niệm gánh nặng bệnh tật như đã nói ở trên là rất phổ biến và dễ hiểu, nhưng gánh nặng điều trị thì ít được quan tâm hơn. Gánh nặng điều trị là khối lượng công việc chăm sóc sức khoẻ và tác động của nó lên sinh hoạt của bệnh nhân. Gánh nặng điều trị tích luỹ dần lên những bệnh nhân có bệnh mãn tính khi họ phải tuân theo tất cả các khuyến cáo và chỉ định có thể quá mức chịu đựng. Điều trị bệnh tật có thể chiếm một phần đáng kể thời gian trong ngày, hạn chế thời gian của các hoạt động khác như làm việc, giải trí, chăm sóc gia đình, đi chơi với bạn bè.

Glôcôm là dạng bệnh có thể có ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn ở người già, có nhiều bệnh nền khác nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra, ở người có từ 3 bệnh mạn tính, việc tuân theo tất cả chỉ định khiến họ tốn trung bình 6 lần dùng thuốc mỗi ngày, tái khám khoảng 1,2 đến 5,9 lần mỗi tháng, tốn trung bình 49,6 đến 71 giờ mỗi tháng. Ở những bệnh nhân có nhiều bệnh nền hơn, con số này còn đáng sợ hơn. Vì thế việc bệnh nhân không thể tuân thủ đúng việc nhỏ thuốc là không hề hiếm. Bác sĩ khi chỉ định điều trị cho bệnh nhân Glôcôm, ngoài việc tham khảo khuyến cáo và làm theo phác đồ, nên quan tâm đến sức khoẻ chung và khả năng dùng thuốc của người bệnh, đưa ra các chỉ định hợp lý với bệnh nhân hơn. Đối với người thân chăm sóc cho bệnh nhân có nhiều bệnh mạn tính bao gồm Glôcôm, phải khéo léo thực hiện đầy đủ việc điều trị và tránh làm mất đi khả năng sinh hoạt bình thường của người bệnh, giúp họ điều trị tốt mà không cảm thấy bệnh tật lấy mất đi cuộc sống ban đầu của mình.

Cuối cùng, một trở ngại không nhỏ đối với người bị Glôcôm chính là vấn đề kinh tế. Gánh nặng kinh tế của glôcôm được chia làm 2 loại: trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp bao gồm: thuốc điều trị, tiền tái khám tại bệnh viện, các thủ thuật phẫu thuật. Gián tiếp bao gồm: phí di chuyển, thuê người chăm sóc, thiệt hại kinh tế vì nghỉ làm tạm thời hoặc vĩnh viễn của bản thân hoặc người nhà. Chi phí gián tiếp tăng cũng thể hiện việc mất khả năng sinh hoạt, lao động tăng. Các chi phí này tất nhiên sẽ tăng theo giai đoạn bệnh, ước tính khoảng gấp 4 lần khi bệnh nhân từ giai đoạn tăng nhãn áp chưa tổn thương (grade 0) đến giai đoạn cuối (grade 5) theo một nghiên cứu ở Mỹ. Tại Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào về gánh nặng chi phí. Bệnh nhân  có thể được chi trả chi phí trực tiếp từ bào hiểm, nhưng chi phí gián tiếp tất nhiên là vẫn tăng. Bác sĩ điều trị khi ra chỉ định xét nghiệm, thủ thuật, thuốc cho bệnh nhân cần xem xét đến khả năng kinh tế của người bệnh, giúp giảm nhẹ nỗi lo cho người bệnh và gia đình để họ an tâm tiếp tục điều trị lâu dài.

Việc điều trị Glôcôm thực sự là một thử thách không nhỏ, là một chặng đường dài mà bác sĩ, bệnh nhân và gia đình phải đồng hành, phải hiều những khó khăn mà người bệnh đã và đang trải qua để giúp họ vượt qua được, cải thiện cuộc sống và điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.

 

----- o0o -----


Các thông tin khác

Địa chỉ
68 Phan Đăng Lưu,P. Hòa Cường Bắc,
Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại
0236.3624283
E.mail
benhvienmat@danang.gov.vn
© Bản quyền thuộc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng