Chụp cắt lớp vi tính hiện nay là phương tiện rất cần thiết cho chẩn đoán hình ảnh. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính đã giúp cho các nhà lâm sàng và phẫu thuật nhận định một cách đầy đủ các tổn thương, từ đó có chỉ định, tiên lượng cuộc mổ, theo dõi điều trị một cách hợp lý nhất. Các chuyên gia nhãn khoa thế giới đánh giá rất cao trong chẩn đoán những bệnh lý hốc mắt. Hiện Bệnh Viện Mắt TW đã trang bị máy chụp cắt lớp vi tính Hitachi W450 của Nhật Bản, phục vụ cho những bệnh lý hốc mắt và sọ não theo đường chụp PNO (Passer neuro-optique ).
Máy chụp cắt lớp vi tính ( người Anh, Mỹ gọi là C.T Scanner (Computed Tomography), người Pháp thường gọi là Tomodensitometrie hoặc Scanner) do nhà vật lý người Mỹ A.M.Cormack và kỹ sư người Anh G.M.Hounsfield phát minh năm 1971. Phát minh này có tầm quan trọng ngang phát minh ra tia Rœntgen năm 1985 nên đã được giải thưởng Nobel về y học năm 1979. Ngày 1 tháng 10 năm 1971, hình sọ não đầu tiên chụp bằng máy cắt lớp vi tính được thực hiện tại một Bệnh Viện ở Luân Đôn. Năm 1974 Ledley ( Mỹ) hoàn thành chiếc máy chụp cắt lớp vi tính toàn thân đầu tiên. Thời gian để có một quang ảnh phải mất vài phút, tuy nhiên vẫn chưa thuận tiện cho việc ứng dụng trong lâm sàng. Năm 1977 với máy chụp cắt lớp vi tính, thời gian một quang ảnh chỉ còn 20 giây. Năm 1995 với máy thông thường một quang ảnh là 3 giây, với máy hiện đại hơn chỉ mất 1 giây và với máy tối tân, chụp cực nhanh chỉ mất 1/10 đến 1/30 giây.
Máy vi tính với các phương pháp toán học phức tạp, dựa vào sự hấp thụ tia X ở mặt cắt, tạo nên hình cấu trúc mặt cắt. Cấu trúc hấp thụ tia X càng nhiều thì mật độ hay tỉ trọng quang tuyến càng cao, vì vậy người ta còn gọi phương pháp chụp cắt lớp vi tính là chụp cắt lớp đo tỉ trọng. Máy chụp cắt lớp vi tính cho phép phân biệt được những sự khác biệt rất nhỏ của những tổ chức có tỉ trọng khác nhau. Trong cơ thể con người nó có thể mã hoá khoảng từ hai nghìn đến bốn nghìn mức độ khác nhau về tỉ trọng giữa cấu trúc có tính chất khí và cấu trúc có tính chất xương.
Khác với chụp X.Quang thường quy, tất cả các thông tin đều nằm trên phim, còn trong thăm khám bằng chụp cắt lớp vi tính thì toàn bộ thông tin chứa trong bộ nhớ và người điều khiển chỉnh lý máy để chọn các hình ảnh có ý nghĩa cho chẩn đoán.
Hiện nay, Bệnh Viện Mắt TW đã trang bị máy chụp cắt lớp vi tính Hitachi W450 của Nhật Bản, phục vụ cho những bệnh lý hốc mắt và sọ não theo đường chụp PNO (Passer neuro-optique) tức là đường qua dây thị giác nhãn cầu, các chuyên gia nhãn khoa thế giới đánh giá rất cao trong chẩn đoán những bệnh lý hốc mắt.
Với đường chụp PNO có thể thấy toàn bộ dây thị giác, ống thị giác, giao thoa thị giác và giải thị giác. Như vậy, so với các đường chụp nền sọ (đường chụp Reid) hay đường chụp lỗ tai trong đuôi mắt (đường chụp OM) chỉ thấy từng đoạn của dây thị giác hay ống thị giác. Với các lớp cắt liên tiếp 3mm qua hốc mắt và 10mm qua sọ não theo đường PNO, có thể phát hiện toàn bộ tổn thương trong hốc mắt, trong chóp cơ hay ngoài chóp cơ, những tổn thương của xoang mặt lan vào hốc mắt hay những tổn thương của nội sọ lan vào hốc mắt và ngược lại, những tổn thương của hốc mắt lan vào sọ hoặc xoang mặt.
Đặc biệt trong những bệnh lý hốc mắt, việc phân biệt được giữa u và giả u dạng viêm là một vấn đề còn nhiều bàn luận. Với các đặc điểm hình ảnh như: dày các cơ vận nhãn, dầy dây thị giác, dày củng mạc hậu nhãn và thâm nhiễm tổ chức mỡ hốc mắt có thể hướng chẩn đoán tương đối chính xác giả u dạng viêm. Trên thế giới, giả u dạng viêm chiếm 8% trong khối choán chỗ hậu nhãn cầu nhưng tại Việt Nam, tỉ lệ lên đến 20-25%. Như vậy, việc chẩn đoán giả u dạng viêm giúp các nhà lâm sàng có phương pháp điều trị hiệu quả và thích hợp, tránh cho bệnh nhân một phẫu thuật mà cuối cùng viêm tổ chức hốc mắt nhiều hơn và lồi nhãn cầu nhiều hơn.
Chụp cắt lớp vi tính hiện nay là phương tiện rất cần thiết cho chẩn đoán hình ảnh, góp phần quan trọng mang lại hình ảnh và thông tin bổ ích cho phép chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và dự đoán mô học trước mổ. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính đã giúp cho các nhà lâm sàng và phẫu thuật nhận định một cách đầy đủ các tổn thương, từ đó có chỉ định, tiên lượng cuộc mổ, theo dõi điều trị một cách hợp lý nhất.
Các tin tức sự kiện khác